Sứ mạng -Tầm nhìn -Triết lý giáo dục

I. SỨ MẠNG VÀ TẦM NHÌN TRƯỜNG ĐẠI HỌC SƯ PHẠM - ĐHĐN

1. SỨ MẠNG
Trường Đại học Sư phạm, Đại học Đà Nẵng là cơ sở đào tạo, bồi dưỡng giáo viên, cán bộ quản lý giáo dục và cán bộ khoa học chất lượng cao gắn với nhu cầu phát triển nguồn nhân lực của khu vực miền Trung - Tây Nguyên và cả nước; là cơ sở nghiên cứu khoa học, chuyển giao công nghệ và hợp tác quốc tế trên các lĩnh vực khoa học giáo dục, khoa học tự nhiên, khoa học công nghệ, khoa học xã hội và nhân văn phục vụ sự nghiệp công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước và hội nhập quốc tế.
2. TẦM NHÌN
Đến năm 2030, Trường Đại học Sư phạm – Đại học Đà Nẵng trở thành trường sư phạm trọng điểm quốc gia; đào tạo, nghiên cứu khoa học đạt chuẩn chất lượng khu vực Đông Nam Á trên một số lĩnh vực mũi nhọn; tham vẫn có hiệu quả các chủ trương, chính sách về gióa dục và đào tạo

II. SỨ MẠNG VÀ TẦM NHÌN KHOA HÓA HỌC

1. SỨ MẠNG

Khoa Hóa học, Trường Đại học Sư phạm – Đại học Đà Nẵng là nơi đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, trong đó đào tạo giáo viên hóa phổ thông là nòng cốt; nghiên cứu về hóa học cơ bản và ứng dụng; phục vụ cho sự phát triển đất nước, trọng tâm là khu vực miền Trung – Tây Nguyên.

2. TẦM NHÌN
Đến năm 2030, Khoa Hóa học, Trường Đại học Sư phạm – Đại học Đà Nẵng trở thành trung tâm mạnh về đào tạo và nghiên cứu Hóa học; có một số chuyên ngành đào tạo, nghiên cứu và ứng dụng đạt chuẩn chất lượng khu vực Đông Nam Á; tham vấn có hiệu quả các chủ trương, chính sách về giáo dục, đào tạo, đặc biệt liên quan đến lĩnh vực Hóa học.


III. TRIẾT LÝ GIÁO DỤC

TRIẾT LÝ GIÁO DỤC KHOA HÓA HỌC - TRƯỜNG ĐẠI HỌC SƯ PHẠM – ĐẠI HỌC ĐÀ NẴNG
 1. Ý nghĩa chung của triết lý giáo dục
Triết lý giáo dục là những tiêu chí chủ đạo, định hướng vận hành cho cả hệ thống giáo dục nhằm hướng đến một mục đích giáo dục nhất định. Triết lý giáo dục là kim chỉ nam cho các hoạt hoạt động giáo dục của Khoa.
2. Nội dung của triết lý giáo dục
Toàn diện, Khai phóng, Sáng tạo, Thực nghiệp
3. Ý nghĩa cụ thể của triết lý
- Giáo dục Toàn diện (Whole Person Education): Sản phẩm được đào tạo phải có đầy đủ các yếu tố Đức – Trí – Thể - Mỹ, đáp ứng được yêu cầu phát triển của xã hội và hội nhập quốc tế.
- Giáo dục khai phóng (Liberal Education): Giáo dục hướng tới xây dựng cho con người độc lập trong tư duy, có một nền tảng kiến thức rộng, những kỹ năng cần thiết để chuyển đổi, hoặc tiếp cận được nhiều lĩnh vực khác nhau của học thuật, đồng thời có chuyên môn sâu trong một lĩnh vực nhất định.
- Giáo dục tư duy sáng tạo: Sáng tạo là một năng lực rất cần thiết đối với người làm việc trong lĩnh vực khoa học nói riêng, trong cuộc sống nói chung. Giáo dục hình thành tư duy sáng tạo, tư duy phê phán là cơ sở để hình thành những phát kiến, phát minh khoa học trong nghiên cứu và giảng dạy.
- Giáo dục thực nghiệp: Thực nghiệp là việc học phải đi đôi với hành, các nội dung đào tạo, nghiên cứu phải xuất phát từ thực tiễn, giải quyết được các vấn đề của thực tiễn.
Như vậy, Triết lý giáo dục của Khoa Hóa học, Trường ĐHSP – Đại học Đà Nẵng phù hợp với Triết lý giáo dục của Trường Đại học sư phạm, ĐH Đà Nẵng (Toàn diện, Khai phóng, Sáng tạo, Thực nghiệp). Triết lý giáo dục trên hướng đến mục tiêu đào tạo những cử nhân có phẩm chất đạo đức trong sáng, có năng lực chuyên môn cao và tư duy sáng tạo, đáp ứng với yêu cầu phát triển kinh tế xã hội.



 
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây