Với mong muốn tái tạo các loại rác hữu cơ trong mỗi gia đình trở thành sản phẩm có ích, nhóm sinh viên trường Đại học Sư phạm-Đại học Đà Nẵng đã nghiên cứu chế tạo ra dung dịch tẩy rửa đa năng từ rác hữu cơ.
Dung dịch này ngoài việc đảm bảo sức khỏe cho người tiêu dùng, còn giảm lượng lớn hóa chất, rác hữu cơ thải ra môi trường. Đặc biệt, các sinh viên lan tỏa sản phẩm này bằng cách hướng dẫn người dân cách làm tại nhà.
Chia sẻ về ý tưởng chế tạo sản phẩm, sinh viên Trần Thị Quỳnh Như, khoa Hóa học, trường Đại học Sư phạm (Đại học Đà Nẵng) cho biết tại nơi cư trú, đa số các hộ dân dùng hóa chất trong trong sinh hoạt hằng ngày như lau dọn nhà cửa, rửa chén bát, giặt áo quần, mà các loại hóa chất này không chỉ ảnh hưởng đến sức khỏe, còn gây ô nhiễm nguồn nước, đất.
Cùng với đó, hằng ngày, mỗi hộ dân cũng thải ra một lượng rác hữu cơ như rau xanh, vỏ các loại trái cây gây ra mùi hôi thối. Với mong muốn chế tạo ra dung dịch tẩy rửa từ rác hữu cơ, vào tháng 4/2024, Quỳnh Như và 4 sinh viên năm thứ 3 khác là Nguyễn Thị Thảo, Lê Võ Như Thùy, Trần Thị Kim Oanh, Nguyễn Thành Toàn đã lên ý tưởng thực hiện dự án “Sản xuất dung dịch enzyme tẩy rửa đa năng từ phế phẩm thực vật."
Trình bày cách thức chế tạo, sinh viên Nguyễn Thị Thảo cho hay qua nghiên cứu, để sản xuất dung dịch enzyme tẩy rửa đa năng từ phế phẩm thực vật, nhóm nhận thấy quá trình lên men có thể sử dụng các loại rau xanh, trái cây giàu đường và xenlulozơ. Bởi vậy, nhóm đã lựa chọn các loại nguyên liệu từ rác hữu cơ như các loại rau xanh, vỏ trái cây và mật mía làm nguyên liệu lên men và sử dụng bồ hòn làm chất tạo bọt tự nhiên và làm sạch; dùng vỏ chanh, vỏ bưởi, tinh dầu bạc hà, tinh dầu quế tạo mùi hương; để tạo độ sánh và đặc, nhóm đã sử dụng bột bắp.
Quy trình chế tạo qua các bước như: thu gom nguyên liệu, xử lý nguyên liệu, ủ lên men, lọc sản phẩm và pha chế thành phẩm.
Theo sinh viên Nguyễn Thị Thảo, sản phẩm có thể làm sạch các chất béo, chất bẩn bám trên các đồ dùng bằng sứ, bằng thủy tinh, trên đồ dùng nhựa, gạch men, các chất cặn bẩn lâu ngày trên ống thoát nước... Do đó có thể sử dụng để rửa chén bát, lau nhà, làm sạch thiết bị vệ sinh, thông cống.
Ngoài ra, sản phẩm còn có khả năng cải tạo đất trồng, xua đuổi côn trùng nên đáp ứng được nhu cầu cần thiết hằng ngày của các hộ dân và đảm bảo an toàn cho người sử dụng, cũng như bảo vệ môi trường. Đặc biệt, dung dịch enzyme tẩy rửa đa năng không hết hạn sử dụng và để càng lâu càng tốt.
Được sự tin tưởng và hỗ trợ từ thầy cô Trường Đại học Sư phạm-Đại học Đà Nẵng, trong chương trình Mùa Hè Xanh, vào tháng 7/2024, nhóm sinh viên này đã dùng sản phẩm dung dịch enzyme tẩy rửa đa năng do nhóm sản xuất để trao tặng cho người dân xã Điện Phong, thị xã Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam.
Đặc biệt, các bạn trẻ đã tổ chức buổi chia sẻ và hướng dẫn người dân chế tạo dung dịch tẩy rửa bằng cách tận dụng những loại rác hữu cơ được thải ra hằng ngày.
Được trao tặng và hướng dẫn cách làm sản phẩm dung dịch enzyme tẩy rửa đa năng, bà Mai Thị Tịnh (trú tại xã Điện Phong, thị xã Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam) hào hứng chia sẻ bà rất vui khi biết được những loại rác thải hữu cơ hằng ngày thải ra môi trường lại có thể chế tạo sản phẩm có ích như vậy.
"Sau khi sử dụng, tôi thấy chất lượng sản phẩm rất tốt, có thể thay thế các loại nước tẩy rửa bán trên thị trường như nước rửa chén, nước lau nhà… Cách làm này vừa bảo vệ sức khỏe cho các thành viên trong gia đình, vừa giảm chi phí sinh hoạt hằng ngày và giữ gìn vệ sinh môi trường xung quanh," bà Mai Thị Tịnh cho hay.
Bí thư Đoàn xã Điện Phong (thị xã Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam) Phan Phước Được cho hay chương trình đã nhận được phản hồi tích cực của người dân. Sản phẩm góp phần bảo vệ môi trường, tận dụng những rác thải hữu cơ để làm ra sản phẩm có ích, giúp người dân tiết kiệm chi phí mua dung dịch tẩy rửa.
Nhận xét về hoạt động nghiên cứu khoa học của nhóm sinh viên, chị Nguyễn Thị Kim Ánh, Phó Bí thư Đoàn Đại học Đà Nẵng cho hay xuất phát từ ý tưởng bảo vệ môi trường, cùng với sự cố gắng, nỗ lực trong quá trình nghiên cứu, bước đầu sản phẩm này của các bạn sinh viên trường Đại học Sư phạm-Đại học Đà Nẵng đã mang lại nhiều lợi ích thiết thực, góp phần xây dựng ý thức bảo vệ môi trường cho người dân. Điều này thể hiện tinh thần xung kích, sáng tạo và trách nhiệm của các bạn sinh viên trong việc chung tay vì cộng đồng.
Đặc biệt, dự án “Sản xuất dung dịch enzyme tẩy rửa đa năng từ phế phẩm thực vật” đã đạt giải Ba cuộc thi "Dự án khởi nghiệp cho thanh niên nông thôn" của Thành Đoàn Đà Nẵng tổ chức và xuất sắc lọt vào vòng bán kết cuộc thi "Dự án khởi nghiệp thanh niên nông thôn năm 2024" do Trung ương Đoàn Thanh niên tổ chức./.
Nguồn: TTXVN/Vietnam+ (https://www.vietnamplus.vn/nhom-sinh-vien-da-nang-bien-rac-huu-co-thanh-dung-dich-tay-rua-da-nang-post971118.vnp)
Nguồn tin: www.vietnamplus.vn
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Giới thiệu về Khoa Hóa học – Trường Đại học Sư Phạm – Đại học Đà nẵng “Nơi hạnh phúc kết tủa, Nơi tình yêu thăng hoa. Nơi đam mê bùng cháy” Khoa Hóa học có tiền thân là Khoa Hóa –Sinh được thành lập từ năm 1994. Ban đầu Khoa có nhiệm vụ giảng dạy các chuyên...